Brother in Arms : Earned in Blood Demo
Cuộc chiến thế giới lại tiếp diễn, câu truyện Brothers in Arms: Earned in Blood lần này đưa chúng ta theo dấu chân người lính Joe “Red” Hartsock - thuộc sư đoàn không vận 101 của Mỹ - trong những trận đánh kịch tính với quân phát xít diễn ra trên đất Pháp. Nhiệm vụ của bạn cũng như phần trước: dẫn dắt toán quân của mình, xông pha làn lửa đạn để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Trong vòng vây của đối phương, nơi kề cận giữa sự sống và cái chết, liệu bạn có thể bảo vệ được chính mình và những đồng đội xung quanh? Chiến tranh rất tàn khốc...
Chỉ 6 tháng sau khi bản Brothers in Arms: Road to Hill 30 ra mắt, Gearbox Software lại tung ra phiên bản tiếp theo là Brothers in Arms: Earned in Blood (BIA2) là bất ngờ lớn nhất mà họ dành tặng cho người chơi. Thật ra, nếu gọi đúng thì đây là bản mở rộng độc lập (stand-alone expansion) thay vì là phần hai, vì về mặt cấu trúc tổng thể trò chơi chẳng khác phần đầu là bao. Thế thì tại sao tôi lại dành tặng cho BIA2 bốn chữ “vô cùng thuyết phục” ở phần đánh giá này? Câu trả lời thật đơn giản: trò chơi tuyệt hơn những gì ta mong đợi.
Một trong những điểm của BIA2 làm cho người chơi thích thú nhất, là việc nhà phát triển đã biến những khuyết điểm ở phần trước thành ưu điểm cho phần sau. Trước hết, cách xây dựng và dẫn dắt câu chuyện truyền cảm hơn: toàn bộ nội dung trong game được kể theo hồi ức của nhân vật chính, được thực hiện theo kiểu đối thoại giữa nhân vật này và người khác, cứ thế mạch game bắt đầu tiến triển. Cách làm này xem ra chiếm cảm tình, lôi cuốn người chơi tốt hơn theo kiểu để người dẫn truyện (narrator) độc thoại. Nếu đã chơi qua trò Mafia, bạn sẽ cảm nhận được cái “chất” của game nó “thấm” từ từ vào người từ lúc nào không hay, thông qua lối dẫn dắt trên.
Như chúng ta từng biết trong phần một, việc di chuyển tự do đó đây là một điều không được như ý. Nay với BIA2, môi trường được mở rộng ra rất nhiều (theo cảm nhận, mỗi màn hầu như rộng lớn gấp đôi so với phần một). Đây là một điểm đáng hoan nghênh và đúng theo những gì mà Gearbox Software đã từng hứa. Điều này tạo cho tính chiến thuật nhóm của BIA2 phát huy mạnh mẽ và có chiều sâu hơn. Bạn có thể di chuyển theo nhiều hướng để tiếp cận mục tiêu mình muốn, khi thực hiện nhiệm vụ xem ra cũng thoải mái không bị gò bó như trước.
Khi bản đồ màn rộng hơn, đồng nghĩa với việc một pha tấn công sẽ được thực hiện từ nhiều hướng hơn? Nhà phát triển đã xây dựng lại AI cho phù hợp với hoàn cảnh. Giờ đây đối thủ máy tỏ ra linh hoạt hơn rất nhiều trong những trận giao tranh. Chúng biết phối hợp chia đội khi hành quân, yểm trợ lẫn nhau, thay đổi vị trí để tấn công (nếu thấy lợi) hoặc bỏ chạy thật nhanh (khi bất lợi). Thậm chí, có lần tôi tưởng kẻ địch chỉ ở trước mặt mình, nhưng thật bất ngờ máy lại tung lực lượng đánh sau lưng. Thật tiếc là những trường hợp như thế khá ít trong game, nếu không người chơi sẽ gặp không ít rắc rối. Ngoài ra, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy, lúc máy bị tấn công bất ngờ từ bên hông, chúng sẽ có những động tác cuống cuồng lên rất thú vị. Sự thay đổi AI không chỉ dành riêng cho phía đối phương mà còn cho cả phe ta. Kỳ này, nhóm quân của bạn thông minh hơn trong việc tìm vị trí ẩn nấp, rất ít xảy ra lỗi ngớ ngẩn đứng sai vị trí như phần đầu nữa (thi thoảng khi chơi mạng vẫn còn lỗi này). Thêm nữa, khả năng bắn “ghìm” (suppression fire) giờ đây tốt hơn, phủ đầu được đối thủ hoàn toàn, đủ để bạn có thời gian đi vòng đánh thọc hông. Và tất nhiên, lỗi bắn xuyên vật thể trước đây cũng không còn nữa. Nhờ vậy, sự phi lý chẳng còn, trả lại cho game đúng với thực tế: anh có kế hoạch tác chiến tốt và nhanh nhạy trong những pha đấu súng, sẽ giành phần thắng. Không có màn nào quá khó, nhưng cũng chẳng màn nào dễ trong BIA2.
Song hành cùng những thay đổi của phần chơi đơn, phần chơi mạng của BIA2 có nhiều sửa đổi đáng giá. Đầu tiên là game phát sinh thêm hai loại hình chơi mạng: Skirmish và Multiplayer. Mục Multiplayer vẫn là hình thức đấu đối kháng như cũ, nhưng số lượng màn chơi lên đến 20. Ngày nay, không phải game nào có mục chơi mạng cũng chịu khó đầu tư nhiều màn chơi đến thế! Còn với Skirmish, bạn sẽ được tiếp xúc với 4 dạng chơi: Objective (chơi theo nhiệm vụ), Timed Assault (tính điểm theo thời gian), Defense (tử thủ trước hàng loạt đợt tấn công) và Tour of Duty (làm nhiệm vụ liên hoàn không được lưu game). Mỗi dạng chơi đều có cái hay riêng của mình. Riêng tôi đánh giá cao dạng chơi Tour of Duty, vì bạn phải thực hiện “liền tù tì” nhiều nhiệm vụ cùng lúc mà không được lưu game. Và tất cả 4 dạng chơi này đều thuộc “sở hữu” của một mục chơi rất hấp dẫn: Co-op. Nghĩa là, dù bạn chơi dạng nào cũng đều có thể chơi Co-op với một người bạn, hoặc bạn vẫn có thể chơi “độc hành” cũng trong phần Skirmish này. Chưa hết, mục Co-op này còn cho phép người chơi lựa chọn điều khiển một trong hai phe: Mỹ và Đức. Thi thoảng đứng ở góc nhìn của phe đối lập khi chơi, quả cũng là một cảm giác lạ.
Lời kết
Thật đáng ngạc nhiên ở bản BIA2 này, rất khó để “bắt lỗi” trò chơi ở mọi mặt. Từ hình ảnh, âm thanh, lối chơi cho tới AI đều được các nhà làm game “gọt giũa” cẩn thận. Quả là hiếm thấy trò chơi nào đạt đến độ gần như hoàn chỉnh đến vậy. Trong khi chúng ta còn đang “nóng máy” với BIA2, thì có thông tin cho biết, nhà phát triển đang bắt tay vào thực hiện phần 3 với sự hỗ trợ của engine Unreal 3, dự tính sẽ tung ra trong năm 2006. Vậy thì, chúng ta hãy đột phá “vòng vây” trong BIA2 trước đã.
Cấu hình tối thiểu
PIII 1GHz+, 512MB RAM, VGA 64MB GeForce 4+ (không hỗ trợ GeForce 4 MX), HDD 3GB, Windows XP/2K
Cấu hình đề nghị
P4 2,4GHz+, 512 RAM, VGA 128MB GeForce 4 Ti 4200+